CÁC PHƯƠNG PHÁP GIÚP TĂNG TRƯỞNG SỐ LƯỢNG PHẬT TỬ CỦA MỘT NGÔI CHÙA
Sáng ngày 18/07/2022, trong Khóa Bồi dưỡng Trụ trì và Hành chánh Giáo hội, tại Chùa Kim Cang (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), TT. Thích Nhật Từ đã gửi đến chư Tôn đức Tăng Ni bài pháp thoại: “Kinh nghiệm phát triển dân số Phật tử của một ngôi chùa”.
TT. Thích Nhật Từ cho biết Chùa Giác Ngộ, nơi Thượng tọa làm Trụ trì, mỗi tháng trung bình có 600 vị thiện nam, tín nữ quy y làm người con Phật; trong các ngày rằm tháng giêng, tháng tư, tháng bảy thì có thể lên đến 1.500 người; như vậy, trung bình một năm có từ 12.000 đến 14.000 người quy y Tam Bảo. Chùa còn mở ra các lớp học ngoại ngữ miễn phí như lớp dạy tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Khmer,… và các lớp kỹ năng như yoga, cắm hoa, thư pháp, sống không bệnh,… Mỗi tuần, có ít nhất ba ngày diễn ra các lớp học giáo lý Phật học như Bát Chánh Đạo cơ bản, Bát Chánh Đạo nâng cao, Kinh Trung Bộ.
Về chương trình hiến máu tại Chùa Giác Ngộ, đều đặn mỗi tháng tổ chức thu hút từ 700-800 người tham gia đăng ký và lấy máu thành công cho 600-650 người đủ điều kiện; đây là đơn vị tiếp nhận máu nằm trong top đứng đầu cả nước. Về thiện pháp đăng ký hiến tạng, mỗi năm chùa tổ chức một hoặc hai lần với hơn 600 người tham gia. Về các khóa tu, đều đặn mỗi tuần vào chiều thứ 7, có hơn 550 em thiếu nhi từ 3-15 tuổi tham dự Khóa tu Búp Sen Từ Bi; sáng chủ nhật thì có khoảng 600 hành giả trung và lão niên trên 35 tuổi tham dự Khóa tu Ngày An Lạc và chiều chủ nhật có từ 500-600 thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia Khóa tu Tuổi Trẻ Hướng Phật. Tất cả các hoạt động Phật sự, thiện sự nêu trên, Chùa Giác Ngộ đều phụng sự không mệt mỏi quanh năm suốt tháng. Thượng tọa cho biết, những thành quả đáng tự hào nêu trên của tập thể Tăng đoàn và Phật tử của Chùa Giác Ngộ có được là nhờ cách hành đạo đúng phương pháp, phù hợp với quần chúng, nỗ lực phụng sự và sự tiếp sức, quảng bá của truyền thông, nhất là truyền thông mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok,…
TT. Thích Nhật Từ chia sẻ rằng số lượng Phật tử tại Việt Nam hiện nay đang có chiều hướng bị sụt giảm. Theo thống kê của Chính phủ vào năm 2019, dân số Phật tử nước ta chỉ khoảng 4,6 triệu người, đứng sau Công giáo về số lượng tín đồ. Điều này cũng đã được Thượng tọa dự báo trước từ năm 2002. Đây là một sự thật đáng buồn và là thực trạng đáng báo động về cách hành đạo chưa hiệu quả của cộng đồng Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam.
Ở phần hai của buổi pháp thoại, Thượng tọa đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc tu học, hành đạo, hoằng pháp, phụng sự dựa trên những thành quả mà tập thể Tăng đoàn và Phật tử Chùa Giác Ngộ đã đạt được nhằm giúp chư Tôn đức Tăng Ni có thêm những dữ liệu để suy ngẫm và thử nghiệm cho việc gia tăng dân số Phật tử tại chùa mình nói riêng và dân số Phật tử của Phật giáo Việt Nam nói chung. Thứ nhất, Tăng Ni chúng ta cần tập trung xây dựng hình ảnh của người tu sĩ Phật giáo sao cho thật hữu ích, lợi lạc và đóng góp những giá trị cao đẹp, vô thượng cho cuộc đời, cho nhân sinh, cho xã hội. Tăng Ni chúng ta phải khắc cốt ghi tâm, đồng tâm đồng lòng trong việc thực hiện chủ trương “phước huệ song tu”. Trí tuệ là sự nghiệp của người tu, là một trong bảy tài sản của bậc Thánh; Tăng Ni có nền tảng kiến thức, tri thức Phật học và thế học vững vàng, chánh pháp thì sẽ dễ dàng hướng dẫn cho người Phật tử cách chuyển hóa khổ đau, làm chủ hạnh phúc tốt hơn. Về phương diện tu phước chính là hành động nhập thế, giúp đời theo lý tưởng Bồ-tát đạo, tức là chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ nhân sinh bằng các hoạt động từ thiện, thiện nguyện.
Thứ hai, đó là cam kết thiết lập và duy trì ba cấp độ và hình thái phụng sự của Tăng Ni. Đầu tiên, tại ngôi chùa, tự viện, tu viện mà mình đang sinh hoạt, dù là Trụ trì hay thành viên Tăng đoàn hoặc Phật tử, mọi người cần thiết lập bộ máy quản trị cơ sơ tôn giáo một cách bài bản, khoa học, hợp lý với các ban, các bộ phận chức năng rõ ràng. Như thế, việc quản lý, vận hành các hoạt động của chùa như tụng kinh, nấu ăn, dọn vệ sinh, xây dựng cơ sở vật chất, quản lý tro cốt,… sẽ được diễn ra vô cùng suôn sẻ, trơn tru và mượt mà. Tiếp theo, các Tăng Ni cần cam kết đóng góp hết mình cho GHPGVN các cấp để góp phần duy trì mạng mạch Phật pháp tại thế gian. Và cuối cùng đó là hình thái phụng sự nhân sinh, Tăng Ni chúng ta phải đẩy mạnh và duy trì các hoạt động, chương trình, sự kiện mang tính chất văn hóa, tôn giáo, xã hội tại khu vực địa phương của chùa mình, sau đó mở rộng quy mô ra cấp tỉnh thành, cấp quốc gia như lễ Tết, lễ Quốc tế Thiếu Nhi, lễ Vu Lan Báo Hiếu, chương trình phát quà cho người nghèo, lễ cưới tập thể cho người khuyết tật,…
Điều ba, để gia tăng dân số Phật tử, chúng ta cần tiếp tục giữ gìn và phát huy vai trò phụng sự nhân sinh của Phật giáo thông qua các nghi lễ quan trọng trong một kiếp người. Có thể kể đến các buổi lễ mang tính chất hoan hỷ, vui vẻ như cầu an, khánh thành, khai trương, an vị Phật, tân gia, tiệc mừng thọ, đám cưới,… Hoặc những dịp lễ cần sự chia buồn, đồng cảm, cảm thông sâu sắc như lễ tang, buổi hộ niệm, ngày cúng thất, lễ giỗ, lễ cầu siêu,… Đây là hai thể loại lễ nghi, sự kiện hầu như ai cũng sẽ phải trải qua trong cuộc đời. Những dịp như vậy, Tăng Ni chúng ta cần có sự chia ngọt sẻ bùi, chung vui chia buồn phù hợp với gia chủ và thân quyến; hỗ trợ họ thực hiện các nghi thức, khóa lễ đúng chánh pháp, không áp dụng các hình thức, hoạt động mê tín dị đoan, tà kiến; làm chỗ dựa tinh thần và hướng dẫn họ cách kiểm soát cảm xúc, kiểm soát tâm lý, nhận thức rõ ràng vô thường, khổ, vô ngã; mang lại những giá trị phúc lạc tinh thần và vật chất nếu có thể cho họ trên tinh thần Phật học.
Điều cuối cùng, để cho việc hành đạo và truyền bá chân lý Phật mang lại hiệu quả cao, giá trị lớn, đóng góp tốt, ý nghĩa đẹp, thì chư Tôn đức Tăng Ni phải chú trọng nâng cao cả về chất lượng lẫn số lượng nội dung phụng sự cho người Phật tử tại gia. Chúng ta phải đa dạng hóa, “buffet hóa” các hình thức tu học, phụng sự nhân sinh, an sinh xã hội để phù hợp cho nhiều đối tượng quần chúng nhân dân, vốn dĩ vô cùng đa dạng, phong phú về các phương tiện: giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp, tôn giáo, ý thức hệ chính trị,… Có rất nhiều Phật sự, thiện sự mà Tăng Ni “tha hồ” lựa chọn nhóm chương trình hoặc nhiều chương trình để phụng sự như: tổ chức khóa tu, giảng kinh, thuyết pháp, dịch thuật, viết sách, trao quà từ thiện, nuôi dưỡng người già, thả cá phóng sanh, tổ chức chương trình âm nhạc Phật giáo, mở tiệc buffet chay,… Nếu nỗ lực, kiên trì áp dụng đúng phương pháp các gợi ý nêu trên, tin chắc tình hình dân số Phật tử của Phật giáo Việt Nam chúng ta sẽ ngày một khả quan hơn và gia tăng nhanh chóng, bền vững hơn.
Tin: Minh Lượng
Ảnh: Ngộ Trí Thông