TIỂU SỬ
HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN TÂM
(1947-2021)
– Ủy viên Ban Kiểm Soát Trung ương GHPGVN.
– Phó Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Long An.
– Trưởng Ban Kiểm soát Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An.
– Chứng minh Ban Trị Sự GHPGVN huyện Châu Thành.
– Phó Trưởng ban Thừa kế Thiên Thai Thiền giáo tông.
– Nguyên Trưởng BTS GHPGVN huyện Châu Thành NK II đến NK IX.
– Trụ trì chùa Thiên Long, xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành.
I. THÂN THẾ
Hòa thượng Thích Thiện Tâm húy Nguyên Đạo, nối dòng Tế Thượng Chánh Tông đời thứ 44, sinh năm Đinh Hợi (1947) tại xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Cố Hòa thượng là con út trong một gia đình có 7 anh chị em. Thân phụ là cụ ông lương y Đinh Văn Giác, thường khám và bốc thuốc Bắc trị bệnh cho dân làng được mọi người quý mến. Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Xuyến, là một Phật tử thuần thành.
Năm lên 10 tuổi, thân phụ của ngài qua đời; thân mẫu tần tảo nuôi dưỡng các anh em trưởng thành khôn lớn trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt. Hai người anh của Hòa thượng đi theo con đường Cách mạng và đã hy sinh cho Tổ quốc Việt Nam. Mẫu thân của ngài được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh Hùng.
II. THỜI KỲ XUẤT GIA, HỌC ĐẠO
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhiều đời kính tin Tam Bảo, như đã có sẵn hạt giống xuất trần từ nhiều kiếp nên Hòa thượng sớm nhận thức được cõi đời là giả tạm, thế sự phù vân, chỉ có đạo giải thoát là cứu cánh. Ngài đã chọn con đường xuất thế học đạo giải thoát.
Năm 1964 khi vừa tròn 17 tuổi, Hòa thượng xin phép mẫu thân xuất gia học Phật. Ngài được Hòa thượng Thích Bửu Sơn, trụ trì chùa Linh Tôn tiếp độ xuất gia, ban pháp danh là Thiện Tâm. Sau hai năm nỗ lực tinh cần, ngài được Bổn sư gởi đến chùa Viên Minh, tỉnh Bến Tre thọ giới Sa-di. Sau khi thọ giới Hòa thượng xin phép Bổn sư đến chùa Nam Độ Đường tại chân núi Cấm, tỉnh An Giang cầu học. Thời gian sau, Hòa thượng đến thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cùng huynh đệ phát tâm xây dựng chùa Ngọc Bửu Hương. Trải qua hai năm công quả với bao gian nan, vất vả, ngôi Tam Bảo đã được xây dựng uy nghiêm. Ngài trở lại quê nhà tu tập tại chùa Linh Tôn với Hòa thượng Bổn sư.
Năm 1972, trải qua bao năm lập công bồi đức, lúc đó Ngài 25 tuổi, nhận thấy Ngài giới hạnh kiêm ưu, căn lành hội đủ, Hòa thượng được Thầy Bổn sư cho phép đăng đàn lãnh thọ giới cụ túc tại Chùa Phật Ân, Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Từ đây, giới phẩm tròn đầy, giới hạnh trang nghiêm, với tâm nguyện “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, Hòa thượng bắt đầu dấn thân phụng sự Đạo pháp và Dân tộc.
III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO
Với sứ mạng và tâm huyết của một Tăng trẻ hết lòng tu tập và cống hiến cuộc đời mình cho Phật pháp, Sau khi thọ đại giới, ngài được Hòa thượng Bổn sư giao trọng trách quản lý, điều hành Phật sự và xiển dương Phật Pháp tại chùa Thiên Long thuộc xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Tại đây, Ngài thiết lập đạo tràng tu học, hướng dẫn Phật tử tụng kinh, lễ Phật, tu tập theo chánh pháp, Phật tử về chùa ngày càng đông. Hòa thượng cho mở phòng thuốc Nam từ thiện, khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho nhân dân quanh vùng; ngoài ra, còn tổ chức nấu cơm từ thiện, phát quà cho đồng bào gặp hoàn cảnh khó khăn tại địa phương…cho đến những năm cuối đời, Cố Hòa thượng vẫn mong ước làm lợi ích chúng sanh, muốn tạo nơi nuôi dưỡng người già bất hạnh, hướng dẫn mọi người phát tâm niệm Phật.
Năm 1989, để góp phần truyền bá chánh tín đến với hàng cư sĩ, Hòa thượng thành lập đạo tràng Bát quan trai cho Phật tử tu học hằng tháng vào ngày 19 âm lịch. Thời gian đầu do Hòa thượng trực tiếp hướng dẫn, thuyết giảng; về sau thỉnh mời Chư Tôn đức giảng sư Ban Hoằng pháp GHPGVN trong và ngoài tỉnh trở về chia sẻ.
Trải qua hơn 60 năm, Chùa Thiên Long xuống cấp, không đủ đáp ứng nhu cầu tu học cho tín đồ Phật tử. Năm 1994, Hòa thượng phát tâm trùng tu Tổ đường kiên cố bằng bê tông cốt thép. Thuận duyên, ngày 11/4/1998 (nhằm 15/3/Mậu Dần), ngài phát tâm đại trùng tu ngôi chánh điện. Lễ đặt đá được tổ chức trang nghiêm có sự quang lâm chứng minh và tham dự của Chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử và nhiều vị quan khách đến chúc mừng, ủng hộ. Không bao lâu, ngôi chánh điện Thiên Long đã được xây dựng trang nghiêm như ngày hôm nay.
Khi Ban Đại diện Phật giáo huyện Châu Thành thành lập, Hòa thượng được mời làm Phó ban Đại diện Phật giáo huyện Châu Thành nhiệm kỳ I (1983-1987). Lúc này, văn phòng Ban Đại diện Phật giáo huyện được chọn đặt tại chùa Thiên Long.
Tại huyện nhà, Ngài được toàn thể Tăng Ni và Phật tử huyện Châu Thành tin tưởng đề cử trọng trách Chánh Đại diện Phật giáo huyện Châu Thành nhiệm kỳ II (1987-1990) cho đến nhiệm kỳ VII (2007-2012) và khi Trung ương cơ cấu chức danh từng địa phương, Ban Đại diện Phật giáo huyện thị trở thành Ban trị sự Phật giáo thì Hòa thượng trở thành Trưởng ban BTSPGVN huyện Châu Thành từ nhiệm kỳ VIII (2012-2017) đến nhiệm kỳ IX (2016-2021). Với cương vị lãnh đạo Phật giáo cao nhất tại huyện Châu thành, Hòa thượng đã đảm đương trọng trách, dìu dắt Tăng Ni Phật tử địa phương suốt 38 năm với bao tâm huyết và với sự hy sinh cao quý, Ngài luôn kêu gọi và nhắc nhở Tăng Ni huyện nhà phải biết phát tâm phụng Đạo, giữ gìn quy củ Thiền môn.
Hiện nay, Ngài là Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN huyện Châu Thành nhiệm kỳ X (2021-2026).
Đối với Phật giáo tỉnh Long An vào năm 1983, khi Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Long An được thành lập, Ngài được mời đảm trách Ủy viên Ban Trị sự nhiệm kỳ I (1983-1987).
Năm 1987, Ngài tiếp tục được mời làm Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh hội Phật giáo Long An nhiệm kỳ II (1987-1990).
Năm 1990, Ngài được suy cử là Ủy viên Kiểm soát Ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ III (1990-1993) và nhiệm kỳ IV (1993-1997).
Năm 1997, Ngài được thỉnh cử là Phó Ban Trị sự kiêm Ủy viên Kiểm soát Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Long An nhiệm kỳ V (1997-2002) và lưu nhiệm bốn nhiệm kỳ tiếp theo đến nay là nhiệm kỳ IX (2017-2022).
Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VII (2012-2017) Ngài được tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng và được suy cử vào Ủy viên Ban Kiểm soát Trung ương GHPGVN cho đến nay là nhiệm kỳ VIII (2017-2022) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Giới đức trang nghiêm, Hòa thượng được Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Long An, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An cung thỉnh vào hàng Tôn chứng sư các Đại giới đàn sau:
– Đại giới đàn chùa Thiên Khánh, Thị xã Tân An (1989, 1991, 1994).
– Đại giới đàn Minh Tánh, chùa Thiên Khánh (1996)
– Đại giới đàn Liễu Thiền, chùa Tôn Thạnh, huyện Cần Guộc (1999)
– Đại giới đàn Khánh Phước, chùa Thiên Khánh (2002)
– Đại giới đàn Chánh Tâm, chùa Kim Cang, huyện Thủ Thừa (2005)
– Đại giới đàn Pháp Lưu, chùa Thiên Khánh (2007)
– Đại giới đàn Viên Ngộ, chùa Kim Cang, huyện Thủ Thừa (2010)
– Đại giới đàn Thiện Nhu, chùa Thiên Châu, thành phố Tân An, (2013)
– Đại giới đàn Hiển Kỳ, chùa Phước Bảo, huyện Bến Lức (2015)
– Đại giới đàn Hoằng Đức, chùa Thiên Châu, Thành phố Tân An (2018)
– Đại giới đàn Đạt Đồng, chùa Tôn Thạnh, huyện Cần Giuộc (2020)
Với tâm nguyện đào tạo Tăng Ni tài đức, kế thừa mạng mạch Phật giáo tỉnh nhà. Lúc bấy giờ, Hòa thượng Thích Thiện Tâm là một trong bốn vị tiên phong, đầy nhiệt huyết trong việc đi các nơi vận động thành lập Trường Cơ bản Phật học Long An khi Hòa thượng Minh Thiện (lúc nầy là Đại Đức) khởi xướng ý định lập trường mở lớp, gồm (Thượng tọa Thích Thiện Thanh, Thượng tọa Thích Thiện Tâm, Đại đức Thích Thiện Huệ và Đại đức Thích Minh Thiện). Tâm nguyện của 4 người đã được Phật Tổ chứng minh, về phía Giáo Hội Trung ương và chính quyền các cấp tại tỉnh nhà đã thuận ý cho phép mở trường Phật học, ngày 15 tháng 9 năm 1992, Trường Cơ Bản Phật học Long An được thành lập (nay là Trường Trung cấp Phật học Long An) trong niềm hoan hỷ vô biên của Chư Tôn đức tỉnh nhà. Cho đến nay, trường đã đào tạo được 5 khóa, hiện đang đào tạo khóa VI (2019-2023). Có thể nói, đây là mốc son quan trọng trong sự nghiệp đào tạo, đánh dấu sự phát triển Phật giáo tỉnh Long an. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo Tăng Ni tài đã mở ra một trang sử mới đầy vẻ vang cho lịch sử Phật giáo tỉnh Long An trong đó có sự đóng góp lớn lao của Cố hòa thượng Thích Thiện Tâm. Hòa thượng vẫn luôn ân cần động viên thăm hỏi và kêu gọi Tăng Ni, Phật tử ngoại hộ đóng góp ủng hộ Ban Giám hiệu và Tăng Ni sinh cho đến những ngày cuối đời.
Với chí nguyện tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, Hòa thượng đã thế phát xuất gia và làm Y chỉ sư cho hơn 10 vị và có đến ngàn Phật tử đã quy y với ngài.
Ngoài việc dấn thân phụng sự cho Phật giáo tỉnh nhà, Hòa thượng còn tích cực tham gia vào khối đoàn thể dân cử xã hội, tiểu biểu Đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Châu Thành, thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Châu Thành, Đại biểu Hội đồng Nhân dân xã Vĩnh Công, thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Vĩnh Công…. nhiều nhiệm kỳ và Hòa thượng có nhiều ý kiến quý báu góp phần xây dựng quê hương Châu Thành ngày càng phát triển trở thành Huyện Nông thôn mới. Bên cạnh đó, Hòa thượng còn vận động Tăng Ni, Phật tử huyện Châu thành tham gia tích cực công tác từ thiện, an sinh xã hội như làm đường, xây cầu, xây nhà, phát quà, tặng học bổng, phát cơm từ thiện, hỗ trợ gia đình chính sách… Những đóng góp của của Hòa thượng được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An tặng nhiều Bằng Tuyên dương Công đức; được Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Long An, huyện Châu Thành tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen…
IV. THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Hóa duyên ký tất, hạnh mãn Ta-bà, hiển bày chút bệnh duyên, Hòa thượng thuận thế vô thường an nhiên viên tịch vào lúc 04 giờ 50 phút ngày 18 tháng 7 năm 2021 (nhằm ngày 09 tháng 6 năm Tân Sửu); trụ thế 75 năm, 49 mùa hạ lạp. Vậy là, Ngài nhẹ nhàng quảy gót về Tây, để lại nỗi niềm thương kính vô biên. Một đời tu tập, hạnh đức viên dung, kể từ đây, Giáo hội vắng đi một bậc giáo phẩm đức độ, tông phong vắng đi pháp hữu chân tình, đệ tử tín đồ vắng bóng Thầy hiền đáng kính quý, tòng lâm u buồn quạnh quẻ, Thiên Long phủ màu tang thương, tiễn biệt Người về cõi vô ưu, tịch tĩnh. Xin bái biệt Ngài.
NHẤT TÂM ĐẢNH LỄ THIÊN LONG ĐƯỜNG THƯỢNG TỪ TẾ THƯỢNG CHÁNH TÔNG TỨ THẬP TỨ THẾ HUÝ NGUYÊN ĐẠO HIỆU THƯỢNG THIỆN HẠ TÂM ĐINH CÔNG HOÀ THƯỢNG GIÁC LINH THÙY TỪ CHỨNG MINH.