QUÁN CHIẾU VÔ THƯỜNG (K II)
Hòa thượng Thích Minh Thiện – UVHĐTS- Phó BHPTW
Ngày 28 tháng 8 năm 2021.
I. DẪN NHẬP:
Năm tôi 17 tuổi lần đầu tiên xem quyển Tam thời khóa tụng, chùa Hoằng Khai của bà cố tôi thường trì tụng hằng ngày, khi mở trang đầu tiên của quyển kinh tôi đọc được bài thơ không rõ chủ đề là gì và tác giả là ai? Nhưng như cho tôi cái cảm nhận về cuộc đời phù du mộng ảo Vô thường như sau:
“Đường danh nẻo lợi lắm người trông
Chen chúc làm chi giữa bụi hồng.
Kìa bóng bạch(nguyệt) câu qua cửa sổ,
Nọ tranh vân cẩu có rồi không.
Lỡ cười, lỡ khóc trên sân khấu,
Khi nở, khi tàn mấy cụm bông.
Muốn kiếp phù sinh ra(sau) khỏi lụy,
Quyển kinh câu kệ chớ nài công.”
Sau này khi xuất gia đi tu rồi tôi lại nghe câu cảm thán về cuộc đời của nhà thơ Vũ Hoàng Chương qua bài thơ “Nguyện cầu” như sau:
“Ta còn để lại gì không?
Kìa non đã lở, này sông cát bồi
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước xa xôi dặm về”
Thưa quý phật tử bấy nhiêu đó đã giúp ích cho chúng tôi rất nhiều khi nghĩ về cuộc thế mong manh nên hôm nay trân trọng chia sẻ đến quý vị đề tài Quán chiếu Vô thường.
II. NỘI DUNG:
Vậy vô thường là gì?
Vô thường là sự biến đổi, là không thường còn, không mãi ở yên trong một trạng thái nhất định mà thay đổi từ trạng thái nầy sang trạng thái khác, từ hình thành đến phát triển rồi tan rã “Hằng chuyển như bộc lưu” (luôn lưu chuyển như nước dốc) theo qui luật “Thành trụ hoại không, Sanh trụ dị diệt”.
Trong Kinh Kim Cang có dạy: “tất cả pháp hữu vi như mộng, như huyễn, như bong bóng nước, như sương mai, như tia lửa lóe lên giữa bầu trời”. Kinh Lăng-già cho rằng các pháp hữu vi “không thật, mau như điện chớp, thế nên nói là như huyễn”. Sự thật là vậy nhưng không phải ai cũng thấy và chấp nhận, đó là nguyên nhân của khổ đau, hệ lụy.
Xưa kia Khổng tử nhìn dòng sông trôi liền dạy cho môn đồ rằng: “Thệ giả như tư phù bất xả trú dạ”nghĩa là trôi thế ấy, không quên cả đêm lẫn ngày. Heraclic, nhà hiền triết người Hy lạp cũng nói: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng nước”.
Đó là vô thường biến động trùng trùng, là năng lực cân bằng, là sinh khởi các pháp. Vô thường có những đặc điểm cần nên quán chiếu như sau
1. Về thân vô thường: Vạn Hạnh Thiền Sư có nói rằng:
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu thô”
Thật vậy, thường thì ai cũng thấy thân nầy là bền chắc rồi đinh ninh rằng mình sẽ sống tới bảy tám mươi tuổi, vì vậy họ mãi lo làm ăn, lo dành dụm tiền của để được giàu có. Nhưng chúng ta đâu biết rằng:
“Dép dưới giường lên giường vội biệt
Sống ngày nay khó biết ngày mai”
Cái thân chúng ta đây không ước lượng được thời gian, vì vô thường đến không hẹn bất cứ một ai, khi thở ra mà không trở vào nữa là chấm dứt một kiếp người. Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, có đoạn Đức Phật hỏi chư vị Tỳ kheo rằng: “Mạng người trong bao lâu?”
Vị thứ nhất thưa: “Kính bạch Đức Thế Tôn, mạng người sống được 100 năm”, Đức Phật quở người kia chưa thấy đạo.
Vị thứ hai trả lời “Mạng người còn chừng vài bữa ăn”, Đức Phật cũng quở ông chưa hiểu Đạo., sau cùng có một vị Tỳ kheo trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn, mạng sống con người còn chừng một hơi thở, thở ra không hít vào là chết”. Đức Phật khen: “Ngươi là người hiểu Đạo”.
Thân thể nầy do tứ đại hòa hiệp mà thành, khi hết duyên chúng sẽ tan rã dưới ba tấc đất, hay chỉ còn lại hủ tro cốt thờ tự hoặc thủy táng dưới lòng sông. Mới hôm nào bạn đầu xanh tuổi trẻ mà bây giờ tóc bạc da nhăn, mắt mờ tai điếc, gối mõi chân chùng. Trong bài Sám Hồng trần, Cổ đức nói:
“Cái thân như tấc bóng chiều
Như chùm bọt nước phập phều ngoài khơi”
Các nhà khoa học cũng đã chứng minh rằng “trong thân thể ta các tế bào luôn thay đổi”. Sự thay đổi làm con người chóng lớn, mau già và mau chết. Như vậy mỗi phút giây trong thân ta đều có sự sinh và diệt, nhất là đối với cảnh tử biệt sanh ly thì thường chúng ta đau khổ chất chồng. Thế nên trong Kinh Pháp Cú 150 Đức Phật có dạy rằng: “ Thân nầy là một cái thành, được xây cất bằng xương cốt, được tô quét bằng da thịt, là nơi dung chứa sự già nua, bịnh tật, ngã mạn và giả dối”.
Chúng ta quán chiếu thân thể như thế không phải để thấy cái thân thể này vô thường, không bền chắc rồi mình bỏ bê hay hủy hoại nó. Hiểu như vậy là hiểu sai về giáo lý vô thường. Cho thân này thường còn là một tà kiến, mà chấp thân này đoạn diệt cũng là tà kiến. Đức Phật dạy chúng ta hãy quán chiếu thân thể là vô thường, nó rất dễ mất, để chúng ta đừng chấp thủ, đừng luyến ái mà khổ đau. Ngược lại, chúng ta phải sử dụng tấm thân mong manh khó được này vào mục đích tìm cầu giải thoát, cũng đừng vì tấm thân tạm bợ này mà tạo nghiệp bất thiện, gây khổ đau lâu dài về sau. Chúng ta phải sử dụng cái thân này như sử dụng một chiếc thuyền, gọi là thuyền pháp thân, để bơi qua dòng sông sinh tử, bằng những việc làm có ý nghĩa, lợi mình, lợi người, đưa đến an lạc, hạnh phúc.
Bài thơ Mộng của HT Thanh Từ: “Gá thân mộng, dạo cảnh mộng, ghi lời mộng, nhắn khách mộng, biết được mộng, tỉnh cơn mộng”
2. Tâm vô thường:
Trong khi thân nầy đã vô thường như thế mà tâm niệm của ta cũng thay đổi mau lẹ và vi tế hơn nhiều, khi vui buồn, lúc thương ghét, tất cả vì: “Tâm do cảnh mà sanh, cảnh do tâm mà thành”, tâm chúng ta thay đổi trong từng niệm, phút trước nhớ chuyện nầy, phút sau lo chuyện khác; hôm qua còn tinh tấn tu tập, công phu bái sám chuyên cần, hôm nay thì đầy phiền não, giãi đãi và như người xưa thường ví tâm con người là “tâm viên, ý mã” thật khó suy lường. Khi quán chiếu vô thường ta thấy rõ có trong một con người có rất nhiều những đợt sóng vọng tưởng rong ruổi bốn phương, niệm nọ tiếp niệm kia đâu biết rằng mỗi niệm mỗi dấy thêm vô minh, khiến ta xa rời Chơn như bản thể. Chính sự dính mắc của căn trần làm tâm chúng ta thay đổi trong từng sát na. Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đức Phật đã chỉ rõ tình trạng của tâm: Tâm như độc xà, lữa dữ và Đức Thế Tôn còn răn dạy: “Này các Tỳ kheo, các ông chớ tin vào tâm ý của các ông, chừng nào các ông chứng được quả A La Hán mới nên tin vào ý ông”.
Vậy thân và tâm vô thường như thế còn hoàn cảnh có vô thường không?
3. Hoàn cảnh vô thường:
Hãy nhìn vào cuộc sống của những người quanh ta thì ta có thể hiểu rõ. Có rất nhiều người đang sống trong giàu sang vinh hiển thế mà chỉ một phút sa cơ hay một ngọn lữa vô tình có thể trở thành những kẻ tha phương hoặc lâm vào những cảnh khốn cùng trong cuộc sống. Từ xưa tới nay, biết bao cảnh đau lòng khi động đất, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh gây ra. Trong Kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy: “Tam giới vô an, du như hỏa trạch”.
Một khi chúng ta thấy được bản chất thật sự của cuộc đời là Vô thường thì phải tự chọn cho mình con đường tu tập, một hướng đi đúng đắn để tiến tới Chơn thường, phải hiểu rằng: “Vô minh thật tướng là thật tánh, huyển hóa không thân tức Pháp thân” (Chứng Đạo Ca của Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác) và như lời Đức Phật dạy: “Tất cả pháp hữu vi là vô thường, là khổ, là vô ngã. Nếu dùng trí tuệ quán sát được như thế thời sẽ chấm dứt được khổ đau và được thanh tịnh” (Pháp Cú 277- 279)
4. Phương pháp đối trị tham chấp khi quán chiếu định luật vô thường.
Trong Đạo Phật có 84 000 pháp môn, nhưng chúng tôi muốn trình bày ở đây bốn pháp quán:
- Một là quán thân bất tịnh. – Hai là quán thọ thị khổ.
- Ba là quán tâm vô thường. – Bốn là quán pháp vô ngã.
Bản Kinh Niệm Xứ dạy thực hành bốn loại Chánh Niệm : Chánh Niệm về Thân, Chánh Niệm về Thọ, Chánh Niệm về Tâm, Chánh Niệm về Pháp. Nội dung thực hành Chánh niệm là LUYỆN TẬP TRÍ NHỚ như sau :
1 – Chánh Niệm về Thân là NHỚ ĐẾN CHÚ TÂM QUÁN SÁT THÂN nơi thân với chánh niệm, nhiệt tâm, tĩnh giác để nhiếp phục tham ưu ở đời.
2 – Chánh Niệm về Thọ là NHỚ ĐẾN CHÚ TÂM QUÁN SÁT THỌ nơi thọ với chánh niệm, nhiệt tâm, tĩnh giác để nhiếp phục tham ưu ở đời.
3 – Chánh Niệm về Tâm là NHỚ ĐẾN CHÚ TÂM QUÁN SÁT TÂM nơi tâm với chánh niệm, nhiệt tâm, tĩnh giác để nhiếp phục tham ưu ở đời.
4 – Chánh Niệm về Pháp là NHỚ ĐẾN CHÚ TÂM QUÁN SÁT PHÁP nơi pháp với chánh niệm, nhiệt tâm, tĩnh giác để nhiếp phục tham ưu ở đời.
- Quán thân bất tịnh
Trong thân ta xét kỷ từ ngoài vào trong đều do bốn đại « đất, nước, gió, lửa » tạo thành không sạch, ngoài thân có chín lỗ thường trôi chảy ra những thứ bất tịnh, thật chất nếu một ngày không tắm rửa tẩy tịnh thì thân thể nầy sẽ như thế nào ? Ấy là chỉ nói đến bên ngoài còn bên trong lại dơ gấp bội lần. Chúng ta không biết cũng vì thân mà sát đạo dâm sanh ra, cũng vì thân mà vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt hoành hành. Trăm điều tội lỗi cũng do cung dưỡng cái giả tạm nầy mà ra. Vậy hành giả học Phật nên để tâm quán sát cái thân bất tịnh nầy để tránh được những hệ lụy đau khổ do những nghiệp tham ái và chấp thủ tạo nên.
Thuở Phật còn tại thế, một hôm Ngài Mục Kiền Liên ngồi thiền ở Thi lâm thì thấy có một con quỷ vừa đánh đập, vừa chửi mắng cái thi thể rằng: « Chính vì ngươi tham lam, vô độ cho nên nay ta mới bị đọa đày làm quỷ đói khát như thế nầy »
Cũng gần đó có một Chư thiên vừa rãi hoa lên thi thể vừa tán thán ca tụng : « Chính nhờ ngươi lúc sanh tiền, thân biết làm lành, khẩu nói lành, ý nghĩ lành cho nên ta được sanh lên làm chư Thiên. Vì thế hôm nay ta mới trở lại đây tán thán, rãi hoa tri ân tưởng niệm »
Ngài Mục Kiền Liên chứng kiến cảnh đó hôm sau đem chuyện ấy thuật lại cho Đức Phật và tứ chúng nghe. Nhơn đó Phật dạy : « Tuy cái thân nầy vô thường giả tạm nhưng mình biết lợi dụng nó làm việc lành, thời hiện tại thân tâm an lạc, người trí ngợi khen, sau khi chết được sanh lên thiên giới thọ hưởng những thú vui thù thắng vi diệu. Còn nếu mình tham đắm nó mà gây ác nghiệp, thời hiện tại khổ đau, sau khi chết lại sanh vào cảnh khổ hơn »
- Quán thọ thị khổ
Từ trên cơ sở biết được thân người là tập hợp các tố chất giả tạm của « đất, nước, gió, lửa »mang nghiệp hôi nhơ nó sẽ theo qui luật « Sanh, già, bệnh, chết » nên ta không phải quá nuông chìu, vun vén, thỏa mãn cho cái thân này. Không chiếm hữu hay đón nhận cho thân nhiều cảm thọ người xưa có câu
« Đa thọ thì đa khổ, đa thọ thì đa nhục »
Thế nên, người phật tử chúng ta hãy sống Thiểu dục, tri túc (muốn ít, biết đủ) để bớt khổ thêm vui.
- Quán tâm vô thường
Như trên đã nói tâm con người như vượn chuyền cây, như ngựa rong nơi đồng nội, vậy mà chúng ta cứ chạy theo vọng tưởng mà quên đi bản tâm thanh tịnh nơi mỗi con người, không biết rằng đối với người tu học Phật điều quan trọng trước tiên là « Phản quan tự kỷ bổn phận sự ». Theo HT Thánh Nghiêm thì nói đến Tâm vô thường trong cửa Phật giáo chính là để chúng ta hiểu được suy nghĩ cũng là hư không, sinh khởi và tiêu trừ biến đổi trong chốc lát.
- Quán Pháp vô ngã
Phép quán cuối cùng là quán pháp vô ngã. Tất cả các pháp là không có chủ thể, không có tự tướng. Nhìn chung, vạn pháp do tâm tạo, thế nên trong khi chúng ta tác ý muốn làm gì cần phải lấy trí tuệ tư duy quán xét, nếu như việc nói năng hay hành động đem đến lợi ích cho mình và người thì nỗ lực làm. Phải gần người thiện lành, cố gắng kiểm thúc 3 nghiệp, phòng hộ các căn, quán thân nầy là dơ bẩn, vật chất giả tạm, mượn phương tiện thân nầy để tu tập làm lành tránh dữ, không trụ chấp, không vướng mắc. Đó là Chơn thường, chơn lạc, tự tại, giải thoát. Trong Kinh Lăng nghiêm Phật dạy : « Nhân duyên hòa hợp, hư vọng hữu sanh. Nhân duyên biệt ly, hư vọng hữu diệt »
Hay trong Sám hối Pháp Hoa ghi rõ : « tất cả các Pháp đều là Phật Pháp mà con không rõ lại theo dòng vô minh, vì thế trong trí Bồ đề mà thấy không thanh tịnh, trong cảnh giải thoát mà sanh ràng buột »
5/ Quán chiếu vô thường trước dịch Covid hiện nay, hành giả học Phật phải làm gì?
Khi biết vạn vật vô thường, chúng ta sẽ giữ được tâm thái bình thản và an nhiên khi đối mặt với sự thay đổi của những tình huống bất ngờ, với sự chia ly, xa cách về tình cảm hoặc vật chất khi vô thường xảy ra trên 3 phương diện thân, tâm và hoàn cảnh đổi thay khốc liệt.
Trong tình hình dịch Covid đang hoành hành khắp nơi, cảm động và trân trọng làm sao những tấm lòng của bao người đang xông pha nơi tuyến đầu chống dịch cùng chung tay chung sức giữ gìn 5K, đẩy lùi dịch bệnh. Thật cảm thương thay đội ngũ y bác sĩ, bộ đội, công an, lãnh đạo ngày đêm canh cánh thị sát các nơi, có những bác sĩ cả ngày mang khẩu trang để chăm sóc điều trị bịnh nhân móp cả gò má, có những người cả tháng trời chỉ được nhìn con qua điên thoại vì bản thân ba mẹ đang tham gia tuyến đầu, có những vị Tăng Ni Phật tử tình nguyện viên trong các bệnh viện dã chiến hay tham gia từ thiện chia sẻ với đồng bào bị mắc bịnh, có người đã ra đi. Ôi, vô thường đau thương, quặn thắt nuốt nước mắt những cơn đau, bao người thức suốt đêm thâu, những cuộc chia ly đến nao lòng cho người ở lại dù là không quen biết nhau nhưng cũng rơi nước mắt, cảm ơn đội ngũ y bác sĩ, những chiến binh Việt Nam, cảm ơn tất cả những tấm lòng nơi tuyến đầu chống dịch.
Vô thường Thị Thường trong hiểm nguy, mệnh lệnh từ trái tim đã đưa nhân loại, con người đến gần nhau hơn. Miền Trung lũ lụt đã có người miền Bắc miền Nam trợ giúp ; miền Bắc sạt lỡ bão lốc đã có Miền Nam miền Trung chia sẽ ; hôm nay miền Nam đang oằn mình chống dịch thì tình cảm của bà con đồng bào Miền Bắc, miền Trung cũng tương trợ lẫn nhau. Hay tình cảm của Kiều bào các nơi ủng hộ giúp đỡ cùng nhau vượt qua đại dịch. Xin nguyện Tam Bảo chở che cho mọi người được bình an khỏe mạnh, chung tay đẩy lùi dịch bệnh, động viên nhau sức mạnh để vượt qua đại nạn Covid hôm nay. Vô thường thị thường
III. KẾT LUẬN :
Tóm lại vô thường là một định luật chi phối tất cả vạn vật cho đến hoàn cảnh, chi phối đời sống con người. Trong 49 năm thuyết pháp độ sanh, Đức Phật thường khuyên bảo chúng ta phải luôn nhớ nghĩ đến sự vô thường của thân tâm, hoàn cảnh thì sự chấp ngã tham sân si không còn, lòng từ bi nẫy nở, biết thương người cứu vật.
Khi quán chiếu định luật vô thường giúp ta không còn chấp trước, không còn đau khổ trước mọi biến dịch của cuộc đời. Vô thường cũng là vị thuốc trị bệnh tham ái, làm cho thân tâm con người bình tỉnh trước những cảnh biệt ly, khổ vui, được mất. Hiểu vô thường, chúng ta mạnh dạn xa rời những thú vui giả tạm, tinh tấn tu tập để đạt đến Chơn thường.
Nam Mô Dược Sư Lưu ly Quang Vương Phật.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát.