Phật giáo xuất hiện ở Ấn Độ hơn 2600 năm về trước, trong thời kỳ đất nước Ấn Độ khủng hoảng tư tưởng sống. Sự phát triển của thời đại khiến cho nền văn học Veda không còn sức để lãnh đạo tinh thần cho người dân Ấn, đòi hỏi cần có một lý tưởng sống mới mẻ hơn ra đời, chính vì thế Phật giáo ra đời trong hoàn cảnh này. Với lý tưởng sống nhân văn, tư tưởng bình đẳng từ giai cấp đến giới tính, đã mở ra một thời kỳ vàng son mới cho xã hội Ấn Độ phát triển kéo dài suốt hàng thế kỷ.
Trải qua sự thăng trầm của lịch sử, Phật giáo tồn tại gần 26 thế kỷ, xây dựng biết bao nhiêu xã hội nhân văn, đem lại lợi lạc cho đời, cho người từ đời sống này, cho đến kiếp sống khác. Cũng do sự phát triển của thời đại mà lịch sử Phật giáo đã trải qua ba thời kỳ tư tưởng chính, đó là thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, Bộ phái và thời đại Phật giáo phát triển (Phật giáo Đại thừa).
Thời đại Nguyên thủy Phật giáo là thời kỳ Đức Phật xuất thế, kéo dài đến 100 năm sau khi Phật Niết Bàn, là thời đại Phật giáo thuần túy. Thời đại Bộ phái bắt đầu xuất hiện sau 100 năm khi Phật nhập diệt, trong lịch sử Phật giáo, đây được xem là thời kỳ lên ngôi của khi tàn văn điển Phật giáo. Với sự ra đời của các bộ Luận, nên thời kỳ này cũng có tên gọi là thời đại A Tỳ Đạt Ma Phật giáo. Cuối cùng thời đại của Phật giáo Đại thừa là thời kỳ tư tưởng Phật giáo phát triển trở lại với phong trào đại chúng, sự xuất hiện của Phật giáo Đại thừa như thổi nguồn sống mới vào tư tưởng giáo lý của Phật giáo, sau thời kỳ bị khô cứng do thời đại Bộ phái.
Ba thời kỳ lịch sử phát triển của Phật giáo từ Nguyên thủy, Bộ phái và Đại thừa tuy có tên gọi và cách giải thích giáo lý khác nhau, nhưng mục đích chính vẫn là đi đến giác ngộ giải thoát. Các bộ luận thời kỳ Phật giáo phân phái vẫn dựa trên tư tưởng giáo lý Nguyên thủy mà phân tích, kinh điển Đại thừa cũng vậy cũng phát triển từ nền tảng căn bản của giáo lý Nguyên thủy. Sự phát triển của ba thời kỳ Phật giáo trong lịch sử đã để lại con đường giải thoát cho đời muôn màu muôn vẻ, nhưng cuối con đường vẫn là Niết Bàn thực tại. Sau đây, chúng con xin trình bày những đặc điểm tư tưởng chính của từng thời đại lịch sử Phật giáo từ Nguyên thủy, Bộ phái và Đại thừa.
Phật giáo Nguyên thuỷ
Xuất hiện ở thời kỳ xã hội Ấn Độ khủng hoảng tư tưởng sống, sự ra đời của giáo chủ các tôn giáo, chủ trương, tư tưởng, học thuyết khác nhau. Nguồn tư tưởng triết học bùng nổ, cuộc cách mạng tư tưởng chống đối thẩm quyền Veda đã tạo ra hệ quả là sự ra đời của hệ hệ tư tưởng Sa môn. Xã hội phân chia ra 4 giai cấp hết sức chặt chẽ, phạm trù tôn giáo hữu thần, là nguyên nhân chính đòi hỏi cuộc cách mạng tư tưởng tôn giáo, mang tính ảnh hưởng toàn xã hội Ấn Độ bùng nổ. Đó là nguyên nhân Phật giáo Nguyên thủy xuất hiện.
Nền tảng của giáo lý Nguyên thủy là thực tu thực chứng, thiết thực hiện tại. Đức Phật từng nói rằng: “Giáo pháp của Ta là thiết thực hiện tại, đến để mà thấy, không có thời gian, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”. Mục đích Đức Phật thuyết pháp không phải vì tranh luận với đời, mà là con đường đi đến diệt khổ, điều này đi ngược lại hoàn toàn các giáo chủ các nền tôn giáo đương thời, chỉ lo biện luận, mà không chú trọng thực hành diệt khổ đau. Những gì mang tính lý luận, không đưa đến kết quả, Đức Phật hoàn toàn không để tâm đến “Này Ananda Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta.” Mặt khác giáo lý Đức Phật luôn đứng trên lập trường thực tế, tùy bệnh mà cho thuốc, chứ không như các nhà luận sư đương thời chỉ biện luận những gì trong phạm trù mình biết. Giống như câu hỏi của vua Ajatasattu khi hỏi Lục sư ngoại đạo về hạnh Sa môn, lại được trả lời về những phạm trù như Thuyết Luân hồi tịnh hóa, đoạn diệt, lõa thế,…… Đức Phật thì đứng trên lập trường thực tế, tùy ý muốn, tùy căn cơ mà thuyết pháp, cũng giống như câu hỏi của vua Ajtasattu hỏi về hạnh Sa môn thì Đức Phật thuyết về hạnh Sa môn,…
Cảnh giác với tranh biện là tập quán của Ấn Độ, Đức Phật dạy mọi người phải cảnh giác với những sai lầm của các nhà triết gia, nguỵ biện (takki) đương thời, chỉ mãi mê lý luận mà xa rời thực tế. Nhiệm vụ chủ yếu của Phật pháp là mở ra con đường giải thoát, giáo pháp này luôn đầy đủ hai phương diện quan trọng: triết học và tôn giáo, lý luận và thực tế.
Vũ trụ quan lấy nhân sinh là trung tâm. Đối tượng khảo sát của đức Phật là vũ trụ thì nhân sinh sẽ là trung tâm. Đức Phật lấy nhân sinh là một sự thật để khảo sát cái chân tướng của nó để tìm ra chỗ quy thú tối cao của con người “Ta nói trong tấm thân một trượng này, thế giới, nguyên nhân thành lập thế giới, sự hoại diệt thế giới và con đường đưa đến sự đoạn diệt thế giới”.
Phật giáo Nguyên thủy lấy Pháp làm trung tâm. Pháp là Dharma, gốc của thuật ngữ Dharma là Dhr, có nghĩa là nắm giữ. Đây là một thuật ngữ có từ thời Rig-Veda (Lê câu vệ đà), nó cũng mang nghĩa quy luật nhưng lại công nhận “thần nhân cách” là nguồn gốc. Bà-la-môn giáo thừa nhận một nhân cách Thần là chủ thể của pháp và luật, vì thế pháp và luật ấy đều là quy luật của tha nhân. Bà-la-môn quy nạp pháp cho thần là lấy lễ nghi tế tự, cầu đảo làm phương pháp an tâm, lập mệnh. Thuật ngữ Dharma trong Phật giáo lại phủ nhận “tạo vật chủ” và có ý nghĩa là quy luật hay là luật tắc: vũ trụ, đạo đức,… mà ở Trung Hoa gọi là Đạo, Tây phương lại gọi là Vũ trụ. Lập trường của Phật giáo Nguyên thuỷ là loại bỏ cái chủ thể “thần” ấy và nhấn mạnh pháp là do tâm của con người. Phật giáo quy nạp pháp nhân giới, một mặt cho pháp tự thân là chủ thể và người thể nghiệm, đồng thời cũng cho con người là chủ thể của pháp, là người thể nghiệm pháp. Có thể chia pháp làm hai loại:
Pháp tính hiện lượng: Tất cả pháp trên thế gian đều do nhân duyên mà hợp thành. “Thấy được duyên khởi là thấy được pháp – Thấy pháp là thấy duyên khởi”, do duyên mà sinh thì đó gọi là Duyên khởi. Đức Phật có ra đời hay không ra đời thì pháp cũng không thay đổi. Bởi, nó là pháp giới thường trụ, là thực pháp, là định pháp, là tính duyên khởi,…
Pháp giới lý tưởng: là phần nội tại của hiện giới “Trước hết phải có trí tuệ về pháp trụ (nhân duyên), sau lại phải có trí tuệ về Niết bàn (ý tưởng)”. Nói cách khác, sự hiểu biết về pháp tắc của hiện tượng giới (vô minh duyên hành…lão tử…) sẽ đưa đến nhận thức về pháp tắc của lý tưởng giới (vô minh diệt…khổ diệt). Phương pháp để đạt đến pháp giới lý tưởng là Bát chánh đạo, Tứ niệm xứ – đạo Nhất thừa của chư Phật quá khứ
Nguyên thuỷ Phật giáo lấy nội tâm làm chủ. Chủ trương chúng ta chỉ cần làm chủ tâm thì chúng ta có thể chi phối được vũ trụ khách quan. Bởi vì, thế giới thực tại bên ngoài tương ứng với tâm của ta. Trên hình thức Nguyên thuỷ Phật giáo cũng thuyết minh phân tích nhưng về nội tâm thì lấy duyên khởi quan “một tức hết thảy” làm nền tảng. Nguyên thuỷ Phật giáo tuy có một quy tắc thực hành không nhất định, nhưng lại lấy tinh thần làm chủ chứ không lấy hình thức ngoại tại làm chủ, không quá chú trọng đến những quy định bên ngoài.
Nguyên thuỷ Phật giáo vẫn xem trọng đạo tại gia, mặc dù ở tại gia nhưng nếu giữ được chánh hạnh cũng đều là chánh pháp, cũng là sự chuẩn bị hướng tới giải thoát. Người tại gia, tuy sống cuộc đời dục vọng nhưng nếu luôn luôn thanh tịnh hoá nó thì rồi dần dần cũng tiến gần đến lý tưởng. Vậy giá trị tu đạo của tại gia cũng rất đáng được tưởng lệ.
Ở Phật giáo Nguyên thuỷ người ta được xem trọng như đức Phật là lấy giải thoát làm mục đích. Mục đích của đời sống trong Phật giáo nguyên thuỷ là Tứ quả A-la-hán (đoạn trừ 10 kiết sử : thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục, sân, hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo cử, vô minh): “Đức Phật là vị đã khám phá ra con đường chưa được khám phá từ trước, một vị đã biết và thuyết con đường ấy. Các hàng Thanh văn chỉ là những người nương theo con đường ấy mà thôi”.
Giáo lý trọng tâm của Phật giáo Nguyên thủy là Tứ đế, Duyên khởi, Vô ngã và Niết bàn. Tứ đế là lời dạy căn bản về bốn sự thật (khổ, tập, diệt, đạo). Giáo lý này được xem như là một công thức được áp dụng cho tất cả mọi vật được nhận thức. Nó được xem như là một công thức, mà không phải là giáo lý mang tính tôn giáo đơn thuần. Công thức này được hiểu như sau: thực chất của các pháp (Dukkha-khổ), nguyên nhân phát sinh các pháp (samudaya), sự diệt trừ chúng (nirodha), phương pháp diệt trừ chúng (magga). Tứ đế có thể so sánh với y khoa: bệnh, nguyên nhân của bệnh, sự diệt trừ cặc bệnh, và phương pháp chữa bệnh. Các nhà Phật học Abhidhammna về sau phân tích Tứ đế thành hai nhóm: Nhân và quả thế gian và xuất thế gian. Khổ và tập thuộc về thế gian (luân hồi khổ đau là quả, nguyên nhân của nó là nhân); Diệt và đạo thuộc về Niết-bàn (Niết-bàn là quả, đạo đế là nhân).
Duyên khởi giải thích về sự hiện hữu của con người và thế giới. Công thức lý nhân duyên nêu rõ các pháp hữu vi đều do nhân duyên quyết định và do vậy chúng không có thực ngã hay thực thể. Duyên khởi có thể xem như là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt toàn bộ hệ thống giáo lý Phật giáo, giải thích lộ trình nhân quả của các pháp hiện tượng. Nguyên tắc của duyên khởi được tóm tắt trong một công thức:
Cái này có thì cái kia có (imasmim sati idamhoti).
Cái này sinh thì cái kia sinh (imassuppada idam uppajjati)
Cái này không thì cái kia không (imasmim asati idam na hoti)
Cái này diệt thì cái kia diệt (masmim nirodha idam airujjhata)
Theo nguyên tắc tương đối tính và điều kiện tính, sự xuất hiện, tồn tại và hoại diệt của mọi hiện hữu được diễn giải trong một công thức mang tính phổ biến trong Phật giáo gọi là Thập nhị nhân duyên: Vô minh… lão tử.
Đây là quá trình của mọi sự sống phát sinh, tồn tại và tiếp diễn. Nếu công thức này bị đảo ngược, chúng ta sẽ đi đến sự chấm dứt của quá trình. Điều quan trọng cần lưu ý: mỗi chi phần trong 12 nhân duyên vừa là nhân, vừa là quả. Nó là yếu tố bị định bởi (paticcasamupppanna), và đồng thời làm điều kiện cho (paticcasamuppada). Bởi thế, chúng tương đối, phụ thuộc lẫn nhau, liên quan với nhau, không có gì là tuyệt đối hay biệt lập. Từ đây, nguyên nhân đầu tiên không có lý do để tồn tại. Vì vậy, theo luật duyên khởi, ý tưởng về một bản thể trường cửu bất biến ở trong hay ngoài con 16 người, dù được hiểu với bất cứ khái niệm nào: linh hồn, atma, tôi, ngã… đều là một niềm tin sai lạc (tà tín), là bóng dáng của tâm thức. Do vậy, có một sự liên hệ mật thiết giữa Duyên khởi và vô ngã trong đạo Phật.
Hai tư tưởng thâm căn cố đề trong tâm lý con người: tự vệ và tự tồn. Vì muốn tự vệ con người dựng lên thượng đế để nương tựa, che chở, được bảo đảm an ninh, như một đứa trẻ được nương vào mẹ cha. Vì muốn tự tôn người ta đã sáng tạo ra ý tưởng về một linh hồn bất tử. Đạo Phật (Nguyên thủy và Phát triển) là tôn giáo độc nhất trong lịch sử tôn giáo nhân loại phủ nhận sự hiện hữu của một linh hồn. Theo Phật giáo, Ngã kiến là một niềm tin sai lạc, không tương ứng với thực tại, nó phát sinh những tư tưởng “tôi” và của “tôi”, dục vọng, ích kỷ, sân hận, chấp thủ, ác độc, kiêu căng, ngã mạn… Nó là nguồn gốc của mọi rối ren trên cuộc đời-từ tranh chấp cá nhân cho đến chiến tranh giữa các dân tộc. Tư tưởng vô ngã lại được diễn đạt theo sau như là hệ quả từ thực tế khổ. Tôi không thể xem bất cứ cái gì là của riêng tôi hay thuộc về tôi, bởi vì những thứ mà tôi xem như thế đều có nguồn gốc từ khổ đau. Vì bất cứ điều gì mà tôi suy tưởng một cách sai lầm đều là sở hữu của tôi, là đối tượng của sự biến dịch không ngừng: bất cứ cái gì vô thường thì cái ấy khổ-(yad anicacam tam dukkham); bất cứ cái gì khổ cái ấy vô ngã-(yam dukkham tad anatta).
Nibbana hoặc Nivarna với “ni” và “vana” trong đó ni là không, vana có nghĩa là diệt hay ái dục: “gọi là Niết bàn vì Niết bàn là sự dứt bỏ, sự tách rời (ni) ra khỏi ái dục (vana), sự thèm khát ái dục”. Niết bàn là tham-sân-si diệt, khát ái diệt, vô minh diệt. Niết bàn cũng có nghĩa là dập tắc “nirva”, ý nghĩa tích cực của Niết bàn là bất tử (amala), tuyệt đối an ổn (yogakikhama), mát rượi (sitibhava). Niết bàn theo Phật giáo Nguyên thuỷ có hai loại: Hữu dư y Niết bàn (Sopadisesa Nibbana): người đạt được cảnh giới giải thoát khỏi luân hồi, trừ diệt hết thảy phiền não, cắt đứt 10 kiết sử, đoạn trừ hoàn toàn tham sân si nhưng nhục thể vẫn còn tồn tại, phái Vedanta gọi là Hữu thân giải thoát (jivanmukti); Vô dư y Niết bàn (Anupadisesa Nibbana): là cảnh giới giải thoát hoàn toàn không còn nhục thể, phái Vedanta gọi là Vô thân giải thoát (ajivanmukti).
Niết bàn vượt ngoài ngôn ngữ, tư tưởng, không thể thấu triệt được Niết bàn. Để hiểu về Niết bàn tốt nhất là gia công thành tựu trí tuệ, bằng tuệ giác của mình vì Niết bàn không thể hiểu bằng tri thức. Niết bàn có thể trình bày qua 3 phương diện: Luân lý, Niết bàn độc nhất chỉ là một trạng thái luân lý, chứng được trong đời sống này bởi phương pháp luân lý, thiền định và trí tuệ; Niết bàn không phải siêu thế gian, Niết bàn được diễn tả như một trạng thái cực lạc (accantasukha), bất tử (accuta), an tịnh (santa) và vô uý (amatabhaya). Tâm lý, nói về thiền định hay tu tập thiền định với mục đích hướng dẫn tâm tư vào một trạng thái không còn dục lạc thế gian và đau khổ. Siêu hình, Phật giáo Nguyên thuỷ không xem Niết bàn như đoạn diệt mà là một cách gì tích cực nhưng vô biên không thể diễn tả như hư không, vượt ra khỏi Tam giới (dục, sắc và vô sắc) và được gọi là siêu thế giới.
Phật giáo Bộ phái
Khoảng 100 năm sau khi Phật Niết Bàn, trong nội bộ Phật giáo đã có sự bất đồng về cách giải thích và hành trì giới luật. Tuy sự bất đồng trong cộng đồng Tăng già đã có mặt từ thời Đức Phật, nhưng do giới hạnh của Đức Phật và sự hiện diện của các vị Thánh Tăng, sự bất đồng đó được hóa giải. Nhưng đến thời gian này Phật giáo đã phát triển đi nhiều nơi, sự hội họp của Tăng già ngày càng ít đi, nên sự giải thích và hành trì giới luật đã có điểm khác biệt.
Đầu tiên phải nói đến quan điểm giải thoát tự thân, chủ nghĩa ẩn dật. Phật giáo Bộ phái chú trọng đến sự giải thoát cho bản thân, xem nhẹ việc độ tha. Việc cứu độ người khác không phải là điều kiện tất yếu trên quá trình giải thoát của bản thân. Bộ phái theo chủ nghĩa ẩn dật, vì lấy sự giải thoát cá nhân nên không có lý tưởng Tịnh độ.
Phật giáo Bộ phát chủ trương không có hai đức Phật xuất hiện cùng lúc trong thế gian này. Phật giáo Bộ phái quá tôn sùng nhân cách cao cả của đức Phật nên đã xem đức Phật là bậc cao siêu, người thường dù có tu hành như thế nào cũng không thể sánh được. Người tu hành chỉ được xem là đệ tử Phật, quả vị tối cao là A-la-hán, không thể thành Phật.
Bộ phái Phật giáo tuy lấy nội tâm làm chủ nhưng đặc biệt chú ý đến ngoại giới, thay vì chú trọng nội tâm thì Phật giáo Bộ phái lại chú trọng đến những quy định bên ngoài.
Phật giáo Bộ phái quan điểm hạnh tu Bồ tát là công hạnh của Phật ở quá khứ và hiện tại. Họ lại quan điểm không ai có thể sánh được với Phật. Do đó, hạnh tu Bồ tát là của Phật, không liên quan đến chúng ta. Bồ tát là danh hiệu được dùng trong thời gian tìm đạo của đức Phật, ngày nay không có.
Mọi vấn đề của thời kì này, việc trước tiên là phải đem ra phân loại, cho mỗi vấn đề đó một định nghĩa rồi đứng trên những lập trường khác nhau để thuyết minh mối quan hệ hỗ tương giữa các vấn đề ấy. Bộ phái Phật giáo thường phân tích những yếu tố vạn hữu và rất coi trọng sự phân tích đó, “một sợi tóc chẻ làm tám”. Đây là nguyên do trong thời kì Phật giáo Bộ phái có rất nhiều bộ luận ra đời. Hệ quả của việc đó đã dẫn đến Phật giáo phân ra hai Bộ phái chính đó là Thượng Tọa bộ và Đại chúng bộ. Phật giáo Bộ phái là thời đại lên ngôi của kho tàng văn học Phật giáo, với sự thành tựu lớn nhất là kho tàng Luận tạng. Nếu thời kỳ Nguyên thủy giáo lý Đức Phật chỉ chuyên chú đến nội tâm, thì đến Bộ phái lại đem giáo lý ra phân tích chi li.
Như đã trình bày, Phật giáo Bộ phái không xem trọng việc độ tha. Vậy nên, chỉ chuyên chú trọng đến đạo xuất gia, lấy đạo xuất gia làm trung tâm. Đối với các xu thế của thời đại hầu như không quan tâm. Đạo tại gia của Phật giáo Bộ phái do vậy mà bị xao lãng. Phật giáo Bộ phái còn có tên gọi khác là Tiểu thừa Phật giáo. Sở dĩ gọi là Tiểu thừa, do vì Bộ phái Phật giáo quá chú trọng về vấn đề chuyên môn hoá nên đã biến thành chủ nghĩa xuất gia, còn đối với quần chúng tại gia họ lại không chú trọng đến như Nguyên thuỷ Phật giáo. Đây là nguyên nhân chính khiến Phật giáo Bộ phái đã không thể tiếp xúc trực tiếp với người tại gia để duy trì và hướng đạo họ. Bộ phái Phật giáo đã không có được sự thích ứng thoả đáng đối với những xu hướng tiến bộ và tinh thần hoạt động không ngừng của thời đại. Cũng từ đó, đòi hỏi Phật giáo phải có một khuynh hướng tư tưởng mới ra đời, đó là Đại thừa Phật giáo.
Phật giáo Đại thừa
Phật giáo Đại thừa cho rằng tất cả mọi chúng sanh đều có thể khả năng tính thành Phật, do đó họ quan trọng việc cứu độ chúng sanh, xem đây là lý tưởng. Phật giáo Đại thừa chủ trương: con người ai cũng có thể tu thành Phật, được như Phật. Khác hẳn với Bộ phái Phật giáo, Đại thừa không theo chủ nghĩa ẩn dật, mà lại hoạt động với đời, lấy việc cứu độ làm cơ sở, vì nhu cầu giải thoát chung, cố kiến thiết một thế giới tốt đẹp hơn. Phật giáo Đại thừa cùng một lúc hoàn thành cả hai nhiệm vụ cho giới tại gia và xuất gia, kết quả đã phác hoạ một thế giới lý tưởng, đó là lý tưởng Tịnh độ.
Phật giáo Đại thừa chủ trương mọi chúng sanh đều có Phật tánh và điều quan trọng là làm sao cho Phật tánh ấy hiển lộ một cách trọn vẹn thì gọi là Phật. Đại thừa đã thừa nhận nhiều chư Phật đồng thời tồn tại trên thế gian trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Đại thừa chủ trương có vô số Phật do bản nguyện độ sanh mà xuất hiện nơi đời. Vì có lý tưởng tịnh độ nên Đại thừa hoạt động đều tỏ hy vọng là lý tưởng hoá thế giới. Đại thừa lấy Phật làm lý tưởng và lấy sự trở về với tinh thần đức Phật làm mục tiêu. Ta có thể thấy rằng Đại thừa đứng trên lập trường thâm sâu để khôi phục lại Phật giáo Nguyên thuỷ.
Bồ tát là danh hiệu chỉ người thế tục phát tâm cầu đạo, bậc đại Bồ tát của Đại thừa phải thị hiện trong hình thức thế tục. Bất cứ ai tu hạnh Bồ tát đều có thể thành Phật, Đại thừa cho rằng hiện tại có vô số Bồ tát cứu độ chúng sanh. Bồ tát là giai đoạn đầu tiên dẫn đến quả vị Phật do đó mà Phật giáo Đại thừa lấy Bồ tát làm lý tưởng. Thệ nguyện của Bồ tát: một mặt cầu chân lý để hoàn thành lý tưởng giải thoát, mặt khác lại phát nguyện cứu độ chúng sanh. Hai nguyện lực này luôn luôn là một thể hợp nhất, bổ sung cho nhau để đi đến sự thành tựu. Điểm đặc sắc của Phật giáo Đại thừa: tu hành không chỉ là cầu nguyện, nghi lễ mà phải hành trì trong mọi lãnh vực của cuộc sống; đưa phạm trù lý thuyết vào phạm trù thực hành; lấy tại gia làm điểm xuất phát, lấy việc cứu độ làm cơ sở qua việc tu tập Lục độ Ba-la-mật.
Quan điểm về Tâm luận của Phật giáo Đại thừa có phần thâm thuý hơn Phật giáo Nguyên thuỷ. Tâm của Đại thừa có thể là kinh nghiệm, cũng có thể là vật, vậy căn cứ vào đây Đại thừa thành lập thế giới quan “chân không diệu hữu”: Chân không là hết thảy các hiện tượng đều không có tự tánh; diệu hữu là sự tồn tại của 21 các pháp hiện tượng mặc dầu chúng không có tự tính. Hai quan niệm này không bao giờ tách biệt nhau được. Chân không không ngoài diệu hữu, và ngược lại. Ở tuyệt đối, chân không là diệu hữu, diệu hữu là chân không. Đây là nét đặc sắc và là điểm cộng thông của các Bộ phái Đại thừa. Chân không là kết luận của vọng tâm sinh diệt; diệu hữu là cảnh giới đã trừ điệt vọng tâm mà làm sáng tỏ ở thể tướng của tịnh tâm
Ở Nguyên thuỷ Phật giáo, cho rằng các pháp là giả danh, không thực thể; Bộ phái Phật giáo, nói tam thế thực hữu, pháp thể hằng hữu; còn ở Đại thừa Phật giáo, lại thống nhất, kết hợp cả hai quan niệm trên, nói rằng chân không diệu hữu.
Niết bàn là tư tưởng chung của Phật giáo, là cảnh giới tuyệt đối vắng lặng, giải thoát không còn phiền não. Niết bàn là tích cực, hoạt động, là đại nguyện cứu độ chúng sanh, vĩnh viễn hoạt động mà không nhiễm trước, Niết bàn của Đại thừa được mệnh danh là Vô trụ Niết bàn hay Bất trụ Niết bàn (như Quan Âm, Văn Thù… không nhập Niết-bàn mà chỉ vì lòng từ vô hạn cứu vớt chúng sanh).
Đại thừa về mặt căn bản là muốn thích nghi với thời đại, nhưng đồng thời Đại thừa cũng mang đặc tính thích ứng với tinh thần thời đại. Phật giáo Nguyên thủy thời đức Phật tỏ ra rất quan tâm đến thời đại, nhưng đến Phật giáo Bộ phái chỉ chuyên tâm vào việc tìm tòi tài liệu, không lưu ý đến tinh thần thời đại cho nên trở thành trở thành khô cứng. Ngược lại, Phật giáo Đại thừa chống đối điều này và vận động xướng lên một phong trào Đại thừa với mục đích là tiếp cận tinh thần thời đại. Vì vậy, có thể nói, không hiểu được tinh thần văn hóa thời bấy giờ thì không thể hiểu được phong trào Đại thừa một cách đúng đắn, bởi vì văn hóa đương thời và Đại thừa Phật giáo có những quan hệ mật thiết.
Qua những điểm trên, ta thấy rằng Phật giáo Đại thừa có những tư tưởng mới nhưng không không nằm ngoài lời dạy của Đức Phật. Những tư tưởng mới của Phật giáo Đại thừa nhằm giúp Phật giáo hội nhập với đời sống. Phật giáo Đại thừa hòa nhập với đời, tuy nhiên chỉ là “hòa hợp” chứ không hề “hòa tan”. Điều đó minh chứng rằng những lời Đức Phật dạy vẫn còn tồn tại mãi cho đến ngày nay.
Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Bộ phái, Phật giáo Đại thừa tuy có những bất đồng về quan điểm, về tư tưởng có phần khác nhau. Tuy nhiên, đều hướng đến một mục đích duy nhất là giải thoát, giáo lý chính vẫn là những lời dạy của Đức Phật khi ngày còn tại thế.
Thiện Phước