Hiện trạng giáo dục Phật giáo Đức Hòa giữa thế kỷ XX
Phật giáo huyện Đức Hòa, những năm giữa thế kỷ XX, chỉ việc lo tang sự như vậy đã trở thành phong trào lan tràn khắp nơi, cho nên đến khoảng giữa thế kỷ XX, thấy được tình hình đó Hòa thượng Tiên Giác – Hải Tịnh đã mở trường dạy ứng phó đạo tràng, để chư tăng không bị xa rời giới luật, không bị thế tục hóa, phổ biến tinh hoa của khoa Ứng phó theo đúng với Phật giáo cổ truyền. Bên cạnh đó, Hòa thượng đã cho trùng tu tu viện Quan Âm và chùa Giác Viên để làm cơ sở dạy chuyên về Ứng phó [9,tr.64]. Mặc dù lớp Ứng phó được mở, được truyền dạy cách thức ứng dụng nghi lễ vào việc hoằng pháp, nhưng trong tâm niệm Ngài vẫn thầm muốn chư tăng chuyên về học (Kinh – Luật – Luận) hơn là lo các đám cúng để không trở ngại sự tu học về sau.
Sau khi tổ Hải Tịnh viên tịch, các đệ tử của ngài, trong đó có ngài Minh Phương lúc bấy giờ đang trụ trì ở chùa Linh Nguyên. Ngài Minh Hòa – Hoan Hỷ là người ở làng Đức Hòa cũng đang ấp ủ tâm tư của thầy mình là Hòa thượng Tiên Cần – Từ Nhượng [6,tr.13]. Trong lần hoằng đạo về Đức Hòa, hai Ngài Minh Hòa và Minh Phương đã gặp nhau và mở trường dạy Phật Pháp cho chư tăng, lập trường Phật học Sông Tra tại chùa Linh Nguyên. Đây là cơ sở do chính Hòa thượng Minh Phương – Chơn Hương giảng dạy. Cơ sở phụ là chùa Long Thạnh (Bà Hom), hiện ở 1756 tỉnh lộ 10, Tân Tạo, Bình Tân, Tp.HCM. Cơ sở này do Hòa thượng Minh Hòa – Hoan Hỷ giảng dạy, quản lý [8,tr.250]. Nếu như các lớp học gia giáo buổi đầu ở Nam Bộ chỉ dạy về kinh luật cho các tăng ni, với phạm vi ở trong chùa, hoặc trong tông phong chưa mở rộng phạm vi ra bên ngoài, thì trường Phật học Sông Tra là ngôi trường có tầm ảnh hưởng khu vực Nam Bộ lúc bấy giờ rất có tiếng tăm thu hút được nhiều học tăng khắp nơi về tu học.
Trường học lúc bấy giờ lấy tên là trường Phật học Sông Tra. Theo Địa chí Long An có ghi lại, Sông Tra là con sông Vàm Cỏ Đông chảy qua quận Đức Hòa, làm ranh giới giữa hai huyện Đức Hòa và Bến Lức, con sông này chảy qua các rạch. Ở thượng nguồn, nơi Rạch Tra nên gọi Sông Tra [3,tr.95]. Chùa Linh Nguyên thuộc quận Đức Hòa lấy tên Sông Tra đặt tên cho trường, với mong muốn pháp âm lưu bố khắp nơi như dòng sông chảy khắp mọi miền. Cũng vậy, giáo lý Phật pháp khi lan tỏa đến đâu chúng sinh được được mát mẻ, an nhiên.
Trường Phật học Sông Tra tại chùa Linh Nguyên lúc bấy giờ chuyên dạy Kinh, Luận, còn ở chùa Long Thạnh thì chuyên dạy về Luật. Giáo thọ của trường, ngoài hai vị trụ trì trên, còn có thỉnh các vị hòa thượng như: Hòa thượng Trừng Châu ở chùa Long Triều, và hòa thượng Hải Lương chùa Kim Cang. Chùa Long Thạnh, Linh Nguyên các học tăng phần lớn là từ Sài Gòn – Gia Định, Bến Tre và chư tăng vùng lân cận Đức Hòa.“Chùa Long Thạnh đã nghiễm nhiên trở thành một trung tâm hoằng pháp danh tiếng toàn Nam kỳ lục tỉnh, thu hút được Tăng sĩ khắp nơi đến tu học.” [6,tr.13]. Còn chùa Linh Nguyên, các học tăng lúc bấy giờ được nội trú như: Hòa thượng Từ Phong, Khánh Hòa, Chánh Thành, Huệ Mạng, Bửu Chung, Pháp Ấn, Đạt Thanh, riêng có 1 vị ngoại trú là ngài Hòa thượng Thanh An …sau này các vị này trở thành trụ cột của Phật giáo miền Nam.
Các khóa sau cũng đào tạo được các vị nổi tiếng sau này như: Hòa thượng Bửu Ngọc (chùa Phước Tường), Huệ Thành (Long Thiền), Ni trưởng Diệu Tín (Hải Ấn), Như Thanh (Huê Lâm), Hồng Huệ (Vĩnh Bửu), Hồng Lầu (chùa Kim Sơn)…
Qua đó, cho thấy trường Phật học Sông Tra dù hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng đã đào tạo một thế hệ tăng tài phục vụ cho việc chấn hưng Phật giáo. Đây là dấu ấn vàng son của Phật giáo huyện Đức Hòa trong thế kỷ 20.
Giáo dục Phật giáo huyện Đức Hòa hiện nay (2019)
Phật giáo huyện Đức Hòa đã trải qua bao thăng trầm, có những lúc tưởng chừng bị mất hẳn. Nhưng với truyền thống vôn có ngày nào Phật giáo huyện Đức Hòa đang dần ổn định và khôi phục lại. Đức Hòa hiện có 58 ngôi chùa và gần 20 ngôi tịnh thất đang xin gia nhập giáo hội [12].
Giáo dục Phật giáo ở huyện Đức Hòa có hai mảng chính:
Giáo dục tăng ni: Giáo dục không chỉ đào tạo tăng tài, hay mẫu hình lý tưởng của một tu sĩ Phật giáo, để lãnh đạo giáo hội trong tương lai, mà nó còn giữ vai trò then chốt cho sự truyền thừa mạng mạch Phật pháp. Nếu như không đào tạo thế hệ kế thừa thật tốt thì Phật pháp nơi đây khó phát triển bền vững lâu dài. Thấy được tầm quan trọng của giáo dục Phật giáo nên ban Trị sự Phật giáo huyện Đức Hòa luôn khuyến khích các tăng ni tham gia các khóa học tại trường Phật học, tạo điều kiện mở lớp sơ cấp Phật học tại Đức Hòa, để tăng chúng nơi đây đủ điều kiện cũng như thuận duyên hơn trong việc học để tiến tới các trường Phật học cao hơn.
Bên cạnh đó, còn có các hoạt động giáo dục Phật học khác, như mỗi năm đến mùa An cư kiết hạ, chư tăng ni tập trung về nhập hạ. Các trường hạ trong huyện đã thỉnh chư tôn giáo phẩm, chư vị giảng sư từ Thành hội, Trung ương về dạy cho tăng ni trong tỉnh, các lớp bồi dưỡng trụ trì do tỉnh Long An tổ chức, chư tăng ni trong huyện cũng đã tham gia đầy đủ, nhằm nâng cao trình độ quản lý tự viện, cũng như bồi dưỡng kiến thức bắt kịp với định hướng Trung ương giáo hội đã đề ra. Khi nói về mục tiêu giáo dục Phật giáo Hòa thượng Chơn Thiện có nhận định: “Một đường hướng giáo dục tốt luôn luôn nhắm đến hai mục tiêu đó là đào tạo con người xã hội và con người chính nó”[5,tr.60] . Như vậy Phật giáo huyện Đức Hòa đã đáp ứng được mục tiêu giáo dục đã đào tạo con người có từ phẩm hạnh và đạo đức và còn mở rộng giáo dục Phật giáo cho các Phật tử.
Giáo dục Phật tử hướng đến chánh tín và lý trí để hướng con người đến một cuộc sống tốt đẹp và có ý nghĩa hơn, giáo dục của Phật giáo nhằm ngăn chặn những ý nghĩ bất chính, hành vi sai lầm. Từ những yếu tố này có thể nói, giáo dục Phật giáo là nhân tố tích cực trong việc thực thi chính sách ngăn chặn hay làm giảm thiểu những tệ nạn xã hội, góp phần nâng cao đời sống đạo đức, thúc đẩy lòng nhân từ và bảo vệ truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục Phật tử được quan tâm hàng đầu khắp các chùa trong huyện nên mở đạo tràng cho Phật tử tu tập và thuyết pháp giảng dạy giáo lý cho Phật tử, thanh thiếu niên, tổ chức khóa tu cho tuổi trẻ, trong thời gian ở đây ngoài việc được vui chơi những trò chơi lành mạnh, các em còn được học về đạo đức, kỹ năng sống, hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. Giới trẻ hiện nay được sự quan tâm của Phật giáo tỉnh Long An. Hòa thượng Minh Thiện cho biết: “đang nhắm tới thế hệ trẻ, khuyến khích lập các khóa tu mùa hè cho thanh thiếu niên, thầy muốn tăng ni trẻ mình phải trao dồi kỷ năng quản lý để mở các khóa tu cho các em.” Việc tổ chức các khoa tu mùa hè, mở lớp giáo lý , tu bát quan trai .v.v. cho Phật tử luôn luôn được khuyến khích và hỗ trợ của Ban trị sự huyện nhà.
Nhìn chung, hoạt động hoằng Pháp cũng như giáo dục cho cư sĩ ở đây có phần tiến triển. Theo báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự hằng năm huyện Đức Hòa, thì năm 2016 có 5 đạo tràng giảng dạy cho phật tử, năm 2017 có 12 đạo tràng và đến năm 2018 đã tăng lên 16 đạo tràng tu học cho Phật tử [1]. Qua đó cho thấy huyện Đức Hòa đang ngày càng đầu tư và có tiến triển về lĩnh vực giáo dục Phật tử. Đó là một điều đáng mừng cho Phật giáo huyện Đức Hòa.
Kết luận
Phật giáo Đức Hòa luôn coi trọng việc giáo dục cho Tăng ni, Phật tử. Phật giáo huyện Đức Hòa quá khứ đã tạo được tiếng vang, từng là điểm sáng về giáo dục Phật giáo, đã đào tạo cho giáo hội nhiều bậc danh tăng lỗi lạc. Ngày nay Phật giáo huyện Đức Hòa đang dần phục hồi và đã mở được trường sơ cấp Phật học đào tạo tăng ni và các lớp giáo lý dành cho cư sĩ để phục dựng lại những giá trị truyền thống và đạo đức mà chư tiền bối đã dày công tạo dựng. Hòa thượng Minh Thiện trưởng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Long An cũng cho biết tương lai sắp tới đây Đức Hòa sẽ được mở trường Cao đẳng Phật học liên thông với Học viện Phật giáo tại Tp HCM đào tạo tăng ni.
Thích Nữ Diệu Huyền
Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 9/2019
CHÚ THÍCH:
1. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội.
2. Trần Quốc Vượng (2014), Trong cõi, Nxb Văn học, Hà Nội.
3. Ngô Đức Thịnh (2016), Tín ngưỡng của các dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Trần Lâm Biền ( 2000), Một con đường tiếp cận lịch sử, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
5. Trần Hồng Liên (2016), Phật giáo ở Bình Dương hiện trạng và lịch sử, Nxb Phương Đông, Tp.HCM.
6. Nguyễn Hiền Đức,( 1995) Lịch sử Phật giáo Đàng trong, Nxb Thành Phố, Tp.HCM.
7. Theo báo cáo thống kê phòng. Nội Vụ huyện Đức Hòa đến tháng 4/2018.
8. http://giaophanvinhlong.net/tu-au-cho-bang-tu-nha-tho-cha-kinh-me-moi-la-ao-con.cập nhật ngày 11/8/2019.
Thẻ tìm kiếm: Số tháng 9/2019